Tin game Việt | Tin thể thao

Tin game Việt | Tin thể thao
tingameviet.com

Friday, October 7, 2011


 


Phạm Phương Thúy

Một chiến lược kinh doanh hiệu quả kèm theo việc thực hiện xuất sắc là sự đảm bảo tốt nhất cho thành công của mọi tổ chức. Với môi trường kinh doanh liên tục có những thay đổi như hiện nay (gồm những thay đổi về: công nghệ, các giá trị xã hội, tập quán tiêu dùng, các điều kiện kinh tế, các chính sách…) thì các doanh nghiệp có thể gặp những nguy cơ, những thách thức nhưng cũng có thể là những cơ hội lớn. Để một doanh nghiệp có thể phát triển trong môi trường thay đổi như thế, điều bạn cần làm là lập một chiến lược kinh doanh.

I. Tại sao phải hoạch định chiến lược kinh doanh?
· Để đối mặt với những khó khăn và cơ hội trong tương lai.
· Để mọi thành viên của doanh nghiệp nắm rõ những mục tiêu và phương hướng cụ thể của doanh nghiệp trong tương lai.
· Hoạch định chiến lược kinh doanh là một cơ sở để điều khiển việc kinh doanh và đánh giá quản lý kinh doanh.
· Hoạch định chiến lược sẽ thành công và đạt hiệu quả hơn là không có một kế hoạch cụ thể.

II. Những bước cần thiết cho một bản hoạch định chiến lược kinh doanh

Bước 1: Thiết lập mục tiêu của công ty.
Xây dựng các mục tiêu mà công ty mong muốn đạt được trong tương lai. Các mục tiêu đó phải mang tính thực tế và thể hiện chính xác những gì công ty muốn thu được. Trong quá trình hoạch định chiến lược, các mục tiêu đặc biệt cần quan tâm là: doanh thu, lợi nhuận, thị phần, tái đầu tư.
Những yếu tố cần cân nhắc khi thiết lập mục tiêu là:
· Nguyện vọng
· Khả năng tài chính
· Cơ hội
Bước 2: Đánh giá vị trí hiện tại.
Có hai lĩnh vực cần đánh giá: đánh giá môi trường kinh doanh và đánh giá nội lực:
-          Đánh giá môi trường kinh doanh: Nghiên cứu môi trường kinh doanh để xác định xem yếu tố nào trong môi trường hiện tại đang là nguy cơ hay cơ hội cho mục tiêu và chiến lược của công ty. Đánh giá môi trường kinh doanh gồm một sô các yếu tố chính như: su hướng kinh tế, các sự kiện chính trị, công nghệ, áp lực thị trường, quan hệ và xã hội.
-          Đánh giá nội lực: Phân tích đầy đủ những điểm mạnh và điểm yếu của công ty về các mặt: Quản lý, Marketing, tài chính, hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển.
Bước 3: Xây dựng chiến lược.
Sau khi hoàn thành bước đánh giá, nhà hoạch định sẽ chuyển sang giai đoạn lựa chọn. Để có thể đưa ra được sự lựa chọn, cần cân nhắc các biến nội lực cũng như các biến khách quan. Sự lựa chọn thông thường phải rõ ràng từ tất cả những thông tin có liên quan trong các phần đánh giá của quá trình hoạch định. Tuy nhiên, để có được sự lựa chọn, mỗi dự án phải được xem xét theo các phần chi phí, sử dụng các nguồn lực khan hiếm, thời gian - tiến độ và liên quan tới khả năng chi trả.
Bước 4: Chuẩn bị và thực hiện một kế hoạch chiến lược.
Chuẩn bị và thực hiện kế hoạch chiến lược gồm hai giai đoạn khác nhau nhưng lại liên quan với nhau, giai đoạn tổ chức và giai đoạn chính sách.
Giai đoạn tổ chức: là bước tổ chức nguồn nhân lực và chuẩn bị nguồn vốn để thực hiện những lựa chọn.
Giai đoạn chính sách: là việc đưa ra những chính sách, những quy định nghiêm túc có tính chất chức năng để củng cố chi tiết hơn trong việc thực hiện chiến lược đã chọn.
Bước 5: Kiểm soát và đánh giá kế hoạch
Ở giai đoạn này các nhà quản trị kinh doanh phải xác định xem liệu những lựa chọn chiến lược và mô hình thực hiện có phù hợp và có thể đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp hay không. Và phải dự toán trước những phát sinh bất thường trong quá trình thực hiện, phải chuẩn bị trước những giải pháp khắc phục và kịp thời điều chỉnh hướng đi trong quá trình thực hiện.

III. Những bí quyết để có kế hoạch hành động hiệu quả:
1.      Kế hoạch đơn giản: Một kế hoạch quá phức tạp sẽ gây nhầm lẫn và nản chí. Trước khi đi vào thực hiện hãy điều chỉnh bản kế hoạch sao cho đơn giản và chặt chẽ nhất.
2.      Kế hoạch hành động khả thi: Những kế hoạch quá tham vọng thường đi đến thất bại. Nếu kế hoạch không khả thi sẽ dẫn đến hầu hết các nhân sự trong dự án sẽ nghĩ "Chúng ta chẳng bao giờ thực hiện được kế hoạch này", và như thế xem như kế hoạch bị đánh bại ngay từ đầu. Hãy xây dựng một kế hoạch hành động có thể quản lý và thực hiện được.
3.      Xác định rõ vai trò và trách nhiệm: Cũng như bất kỳ nỗ lực nào, việc thực hiện một kế hoạch hành động cũng nên xác định rõ các vai trò và trách nhiệm của từng nhóm hoặc từng cá nhân. Những cá nhân này phải thừa nhận công khai việc họ chấp nhận vai trò của mình. Điều này sẽ khiến họ làm việc có trách nhiệm hơn.
4.      Kế hoạch linh hoạt: Các chiến lược hiếm khi đi theo một phương hướng hoặc lịch trình đã định. Sẽ luôn xảy ra những tình huống bất ngờ như: đối thủ cạnh tranh phản công, khách hàng không hưởng ứng như dự kiến, những tình huống xấu đột nhiên xảy ra ...Vì vậy, một kế hoạch thực hiện chiến lược tốt phải dễ điều chỉnh. Những tổ chức khóa chặt mình vào các lịch trình, mục tiêu và sự kiện cứng nhắc cuối cùng sẽ thấy chính mình bị tách rời khỏi một thế giới đầy biến động mà họ phải làm việc và tồn tại.

IV. Kế hoạch thực hiện chiến lược kinh doanh
Chiến lược không tự nó trở nên có hiệu quả. Nó cần được chuyển thành các chính sách, có các biện pháp và kế hoạch cụ thể để thực hiện chiến lược có hiệu quả. Cần phải có những quyết định, giải thích rõ ràng, chọn chiến lược như thế nào để có hiệu quả và nó sẽ được kiểm soát, điều khiển (đặc biêt khi rủi ro xảy ra) như thế nào.
Bất kỳ kế hoạch thực hiện chiến lươc nào cũng đều chứa đựng nguy cơ phát sinh những điều ngoài dự kiến có khả năng gây trì hoãn hay hủy hoại kế hoạch. Nên triển khai các kế hoạch đối phó sự cố bất ngờ cho những vấn đề tiềm ẩn này. Kế hoạch đối phó sự cố bất ngờ trả lời cho câu hỏi: "Nếu X xảy ra, chúng ta có thể phản ứng như thế nào để vô hiệu hóa hay giảm thiểu thiệt hại?" Do đó, cần phải có một chiến lược thay thế nhanh, sẵn sàng đáp ứng những thay đổi có thể dự báo được.
Kế hoạch đối phó sự cố bất ngờ chuẩn bị cho mọi người cách thức giải quyết những tình huống bất lợi. Khi khủng hoảng xảy ra, các nhà quản lý và nhân viên đã có sẵn biện pháp, thời gian hay ngân quỹ để đối phó với tình thế đó.

V. Những nguyên nhân thất bại thường gặp khi thực hiện chiến lược
Ngay cả những kế hoach chiến lược kinh doanh được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất cũng có thể đi chệch hướng. Nhà hoạch định chiến lược cần biết các nguyên nhân làm chệch hướng trước khi bắt tay vào hành động để tránh hoặc giảm thiểu tối đa những thiệt hại có thể xảy ra sau:
1.      Mở rộng kế hoạch: Trong quá trình thực hiện các kế hoạch hành động có thể điều chỉnh hoặc gia tăng về quy mô. Sự điều chỉnh này làm tiêu hao nguồn lực đã định để thực hiện kế hoach ban đầu. Do đó, tiến độ thực hiện kế hoạch ban đầu có thể bị chậm lại, làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động kinh doanh.
2.      Cắt giảm kế hoạch: Trong quá trình thực hiện, một kế hoạch có thể bị cắt giảm nhằm mục đích giảm chi phí hoặc tăng tốc quy trình thực hiện. Dù những biện pháp như thế có thể tiết kiệm thời gian và tiền bạc, song chúng cũng có thể khiến cho một kế hoạch hành động không đạt được các mục tiêu đã định ban đầu.
3.      Thiếu nguồn lực: Có thể nhân viên không đủ thời gian để thực hiện các sáng kiến chiến lược vì phải thực hiện những nhiệm vụ thông thường của họ. Đây có thể là kết quả của việc ước tính nguồn lực không chính xác, tăng quy mô dự án hay các ưu tiên cạnh tranh. Dù nguyên nhân là gì đi nữa thì vẫn tồn tại một thực tế: nếu mọi người phải đảm đương quá nhiều việc, nguồn lực sẽ bị hạn chế.
4.      Thất bại trong phối hợp liên kết: Nhóm mà phòng ban cần hợp tác hay chuyển giao công việc có thể thay đổi kế hoạch vì thế không đáp ứng được các nghĩa vụ mà họ thực hiện cho bạn. Trong nhiều trường hợp, điều này xảy ra vì trưởng nhóm không thể tùy ý sử dụng các nguồn lực cần thiết hoặc có các ưu tiên khác. Cũng có khi sự phối hợp liên kết bị bỏ sót trong giai đoạn lập kế hoạch hành động.
5.      Có sự chống đối thay đổi: Một chiến lược mới sẽ tạo ra nhiều thay đổi về thế cạnh tranh của một công ty. Nó cũng phá vỡ hiện trạng trong nội bộ tổ chức, tạo ra những người chống đối thay đổi. Họ có thể nhận thấy thay đổi là một mối đe dọa cho sinh kế, bổng lộc, những mối quan hệ xã hội nơi làm việc hay địa vị của họ trong tổ chức. Những người khác biết rằng các kỹ năng chuyên môn của họ có thể được đánh giá không đúng giá trị. Bất cứ khi nào con người nhận thấy mình là kẻ thua cuộc trong một quá trình thay đổi, họ đều muốn kháng cự. Sự kháng cự có thể thụ động, dưới hình thức không tận tâm với mục tiêu và quy trình để đạt được mục tiêu đó; hoặc chủ động dưới hình thức chống đối hay phá hoại trực tiếp.

phuongthuy.btc76
0904 922 369

No comments:

Post a Comment