Tin game Việt | Tin thể thao

Tin game Việt | Tin thể thao
tingameviet.com

Sunday, November 20, 2011

Những cách kiếm tiền trên mạng


"Kiếm tiền trên mạng", "kiếm tiền online", "kiếm tiền qua mạng"... là những từ khóa rất phổ biến trên Google.com.vn, cũng như các từ "make money online", "make money from home"... được người dùng gõ rất thường xuyên vào hộp tìm kiếm của Google.com. Điều đó cho thấy, mong muốn kiếm thêm thu nhập từ internet là mong muốn của không ít cư dân mạng, những người mà hàng ngày ngồi trước máy tính, truy cập hết trang này đến trang khác, duyệt mail, tham gia các diễn đàn, tán gẫu chém gió... rồi đến một lúc nào đó cảm thấy thời gian trôi qua thật uổng phí, họ bỗng  muốn làm một cái gì đó có ý nghĩa thiết thực hơn cho mình và gia đình. Vả chăng, trong cái ý niệm sơ khởi về kiếm tiền qua mạng của hầu hết chúng ta thì, kiếm tiền qua mạng là một công việc thú vị, nhẹ nhàng, không phải chịu nhiều áp lực. Ý niệm này có thể đúng có thể sai, tùy trường hợp, tôi không lạm bàn. Nhưng tôi nghĩ rằng, chính cái ý niệm đó đã lôi kéo nhiều người tham gia vào các cuộc phiêu lưu.

Cần gì đầu tiên?

Tùy theo các thức kiếm tiền mà bạn muốn theo đuổi, những thứ bạn phải chuẩn bị có thể sẽ khác nhau, nhưng   trước hết bạn cần có một tài khoản ngân hàng. Do đó, trước khi bắt tay vào kiếm tiền trực tuyến, hãy lập ngay một bank account nếu bạn chưa có.

Với tài khoản ngân hàng của bạn, hãy đăng ký một thẻ thanh toán quốc tế như Visa card hay Master card. Hầu hết mọi giao dịch trên mạng bạn đều có thể nhờ chúng mà tiến hành.

Tiếp đến là một tài khoản Paypal và một tài khoản Alert Pay nữa. Đây là những dịch vụ thanh toán trung gian quốc tế cho phép bạn nhận hoặc trả tiền nhanh chóng. Nếu ngân hàng bạn chọn có liên thông với Paypal thì bạn có thể chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam rất tiện lợi.

Những cách kiếm tiền phổ biến trên mạng 
1. Làm việc outsourcing 

Outsourcing là một khái niệm kinh tế xã hội học mới ra đời chừng chục năm trở lại đây. Tôi gặp từ này lần đầu tiên trong cuốn "Thế giới là phẳng" của Thomas Friedman và nó được Friedman dùng theo nghĩa là tìm kiếm các giá trị lợi nhuận từ nhân công bên ngoài quốc gia hay khu vực của mình. Chẳng hạn một ông chủ ở thung lũng Silicon  có thể thuê các nhân viên ở Ấn Độ hay Trung Quốc với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá thuê nhân viên tại Mỹ. Sự chênh lệch về giá thuê nhân công tạo ra giá trị thặng dư.

Kỳ thực sau khi suy ngẫm kỹ, tôi thấy rằng cách làm này đã có từ vài thế kỷ trước, thời mà những nước phát triển áp dụng chế độ thực dân trên các quốc gia thuộc địa, dùng nguyên liệu và lao động ở thuộc địa với giá rẻ mạt để làm ra các sản phẩm và mang về bán cho dân của họ. Khác chăng là hình thức. Ở thời đại CNTT bùng nổ, người ta không phải đến tận nơi, không phải chiếm đóng, không phải thiết lập chính quyền cai trị.

Hình thức làm việc này khi soi xét qua cái nhìn của chủ nghĩa Marx có thể bị coi là một dạng bóc lột tư bản. Nhưng với quan niệm về một thế giới mở, chúng ta nên nhìn nhận đó chẳng qua là sự hợp tác song phương cùng có lợi mà thôi.

Để tham gia vào việc kiếm tiền outsourcing, bạn phải có một số kỹ năng nào đó, như lập trình, dịch thuật... Bằng một hay nhiều kỹ năng ấy, bạn vào những mạng việc làm trực tuyến như oDesk, vWorker... để tìm các phần việc phù hợp.

Tại các dịch vụ đó, người ta chia ra hai nhóm : employers là những người đi thuê nhân công, workers là những người muốn tìm việc. Khi một employer có việc gì đó cần người làm giúp, họ sẽ đăng thông tin lên dịch vụ trung gian. Các workers chỉ việc tìm kiếm xem có việc nào cảm thấy  làm được thì đặt giá, gọi là bid. Sau đó chờ cho employer đồng ý là có thể bắt đầu công việc.

Mọi công việc đều có kỳ hạn, hạn cuối cùng mà worker phải giao sản phẩm cho employer gọi là deadline. Worker có thể đề nghị employer gia hạn deadline nếu không xong kịp. Tiền công sẽ được chuyển vào tài khoản của bạn tại dịch vụ trung gian đó sau khi hoàn tất công việc và employer hài lòng với kết quả.

Muốn sờ tận tay số tiền này thì thường là bạn phải chuyển qua Paypal, rồi từ Paypal lại withdraw về ngân hàng ở VN, cuối cùng là mang thẻ ra máy ATM mà rút big grin


2. Affiliate Network - Mạng liên kết  (1)

Affiliate là một hình thức quảng bá sản phẩm, thường có tính thời vụ, cho phép lập ra mạng lưới đại lý giới thiệu và quảng bá một sản phẩm, một dịch vụ hay một tên tuổi mới. Người môi giới được trả tiền hoa hồng dựa trên phần trăm lợi nhuận từ số lượng giao dịch thực sự diễn ra.

Đây là hình thức tương đối phổ dụng và dễ làm việc. Hầu hết các trang web bán hàng qua mạng đều cung cấp một liên kết trên trang của họ để cho phép khách viếng thăm trở thành một nhà môi giới trung gian, giúp họ giới thiệu tên tuổi đến những ai chưa biết. Các site bán hàng lớn như Amazon còn xây dựng hẳn một khu vực dành riêng cho thành viên tùy ý cấu hình liên kết các sản phẩm và dịch vụ. Thậm chí, bạn có thể tạo một gian hàng trưng bày với Amazon Affiliate và nhận hoa hồng nếu có người đi từ gian hàng của bạn đến Amazon và đặt hàng tại đó. Bạn giữ vai trò như một đại lý giới thiệu sản phẩm, hầu như không cần vốn đầu tư.

Lại có các trang web chuyên về mạng liên kết như Commission Junction, Google Affiliate Network... tạo điều kiện cho  bạn làm việc với các nhà cung cấp chính thức thông qua chúng. Chẳng hạn ông X bán giày thể thao, ông ta nói với CJ rằng "Tôi có mẫu giày mới đây, anh xem có ai quảng cáo giúp!". Đến lượt CJ báo cho bạn biết : "Lão X có hàng mới kìa, ông vào xem có thể quảng cáo giúp họ không?", và CJ đưa liên kết sản phẩm mới của ông X cho bạn, bạn chỉ việc đặt liên kết ấy lên các trang web của bạn là xong.

Các site bán tên miền, cho thuê host như GoDaddy. Các site việc làm outsourcing như vWorker, oDesk... và rất nhiều site khác đều có chương trình Affiliate. Khi bạn ghé thăm trang web của bất cứ dịch vụ nào, hãy để ý quan sát, nếu có liên kết Affiliate thì nhấn vào xem có gì hay không nhé!


3. Đặt quảng cáo PPC - Pay Per Click

PPC về cơ bản được hiểu là đặt quảng cáo của đối tác lên trang web của bạn, khi khách thăm website của bạn click vào quảng cáo, bạn sẽ nhận được tiền. Nổi tiếng nhất và uy tín nhất trong lĩnh vực này là Google Adsense. Bên cạnh đó cũng có không ít tên tuổi như : Bidvertiser, AdBrite, Clicksor... Việc bạn làm chỉ là đăng ký tài khoản, lấy mẫu quảng cáo dán lên trang web và đợi tiền về! Phương pháp kiếm tiền này tuy đơn giản trong thực hiện nhưng không dễ có được kết quả khả quan. Nó đòi hỏi nhiều yếu tố như sức hút của trang web bạn dùng để chèn quảng cáo, khả năng tổ chức và thiết kế mẫu quảng cáo sao cho hợp lý không phản cảm...

Một khúc biến tấu của PPC là PTC - Pay To Click, nghĩa là trả tiền cho việc nhấn vào quảng cáo. Onbux, Incrasebux là những trang PTC tôi đang tham gia. Thường thường mỗi ngày bạn phải vào các trang này một lần, họ sẽ cho bạn xem vài ba quảng cáo, bạn nhấn vào từng liên kết, chờ vài chục giây là sẽ nhận được từ 1 đến 2 cent. Tức là 1 ngày bạn có thể nhận khoảng 8 cent trở lại trên mỗi dịch vụ. Đây là con số rất nhỏ và nếu chỉ trông vào con số này thì chẳng ai tham gia PTC. Nhưng có một cái hay nằm ở cơ chế referral. Thu nhập của bạn chủ yếu sẽ đến từ cái đó.

Referrals nghĩa là những người thật được bạn giới thiệu tham gia vào trang PTC hoặc những người ảo được bạn thuê để click cho bạn. Nếu đó là người thật do bạn giới thiệu, bạn sẽ được chia một phần trong tổng thu nhập của họ mà không ảnh hưởng đến những gì họ nhận được. Cho nên càng giới thiệu được nhiều người tham gia chơi PTC càng tốt. Mặt khác, referrals cũng ám chỉ những clicker ảo. Cái này rất tinh tế và là điểm hấp dẫn nhất trong hoạt động PTC. Bạn phải bỏ ra một ít tiền để thuê, và nếu biết tính toán một cách khéo léo, lợi nhuận thu được hàng ngày của bạn có thể lên đến vài chục $ mà chẳng phải bỏ ra bao nhiêu thời gian.

Nếu muốn tìm hiểu thêm về cái này, các bạn nên xem  một bài viết trên VNPaypal để tham khảo.

Lưu ý rằng, PTC tuy thú vị, nhưng cũng là một hoạt động đầy rủi ro. Bất kỳ lúc nào, bất kỳ trang PTC nào cũng có thể biến tướng thành scam và bạn sẽ mất trắng những gì đã gây dựng được từ đó. Hãy thận trọng điều nghiên kỹ lưỡng trước khi quyết định làm việc với các mạng lưới PTC! Và nhớ là đừng bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Khi có một số tiền nhất định trong tài khoản, hãy chuyển ngay sang Paypal hoặc AlertPay.

4. Những hình thức kiếm tiền qua mạng khác

Sự cạnh tranh trên internet ngày một khốc liệt. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ web đã phải tung ra những chiêu quảng cáo độc đáo, nhằm cạnh tranh với các dịch vụ cùng loại, thu hút người dùng về phía mình. Nếu biết chớp cơ hội, bạn có thể kiếm chác được ít nhiều từ họ.

hotIMG  là một dịch vụ upload và chia sẻ ảnh. Khi bạn upload ảnh lên đây và chia sẻ với người khác, bạn có thể nhận được tiền dựa trên số lần tải xuống. Không biết điều này có giúp hotIMG cạnh tranh được với Picasa, Flickr hay không, nhưng mình cũng kiếm được chừng 20$ ở đó rồitongue

Fileserve, hotFile... là những dịch vụ upload chia sẻ file mới nổi lên gần đây, cũng cho phép kiếm tiền dựa trên số lượt download của người dùng. Sau này, thay vì chia sẻ file qua Mediafire, 4shared... bạn có thể chia sẻ qua các dịch vụ trên để thu lợi nhuận. Mấy cái này tôi chưa thử bao giờ nên không có ý kiến.

Ngoài ra, khi lang thang trên mạng, hãy để ý một chút, bạn sẽ bắt gặp đâu đó những chỉ dẫn hữu ích trong việc kiếm tiền online. Bài viết này chỉ giới hạn ở những gì tôi đã thử nghiệm, nên xin bàn tiếp câu chuyện trong một dịp khác.


Lời cuối :

Tôi đã thấy một số người kiếm được hàng ngàn USD mỗi tháng từ các công việc làm trên mạng. Song tôi cũng thấy một số người khác bỏ cuộc ngay từ khi chưa kiếm được xu nào. Điều cuối cùng mà tôi muốn nói trong bài viết này, đó là dù thành công hay thất bại, khi tham gia vào những công việc kiếm tiền trên mạng, bạn cũng sẽ thu được ít nhất một điều quý giá, đó là kinh nghiệm. Và hãy tin rằng những gì bạn làm dẫu là nhỏ bé cũng tạo ra một nguồn lực tác động lên sự chuyển dịch các giá trị toàn cầu.

No comments:

Post a Comment